• info@tramrang.com
  • 028 222 07 222 - 0945 973 439 - 0901 683 439

Đánh giá chương trình fluor hóa nước để làm giảm sâu răng

  • 69 lượt xem
  • 28 - 08 - 2013

Chương trình fluor hóa nước (fluoridation program) là chương trình châm sodium fluoride vào nguồn nước máy của TP, với nồng độ 0,5ppm (ppm là phần triệu trong 1lít nước). Fluor sẽ ngấm vào men răng của em bé từ lúc còn là bào thai đến lúc trưởng thành (15 tuổi), fluor kết hợp với phosphate calcium của men răng tạo thành fluoro apatit là một chất khoáng cứng kháng lại axit, làm cho men răng cứng chắc khó bị sâu răng.

chuong-trinh-flour-hoa-nuoc-lam-giam-sau-rang

Kể từ năm 1930 khi BS Nha Khoa, BS Dean người Mỹ khám phá ra chất fluoride có trong nước với nồng độ là 1ppm (1mg/1lít nước) sẽ làm răng cứng chắc và chống lại sâu răng. Đến năm 1940, nhiều thành phố lớn của Hoa Kỳ đã tiến hành chương trình fluor hóa nước để phòng chống sâu răng. Sau đó nhiều nước trên thế giới cũng đã tiến hành châm fluor vào nước để giảm sâu răng.

Sau 45 năm thực hiện chương trình fluor hóa nước, Tổ chức sức khoẻ thế giới (WHO) năm 1985 đã tổng kết chương trình nầy, cho thấy ở những thành phố nào có chương trình fluor hóa nước đã giảm được từ 50%-60% sâu răng và chương trình mang đến lợi ích gấp 20 lần nghĩa là 1 đồng phí tổn bỏ ra cho việc châm fluor sẽ mang lại lợi ích 20 đồng.

Chương trình fluor hoá nước tuy tốn kém do phải mua hoá chất sodium fluoride để châm vào từ đầu nguồn của nhà máy nước, nhưng lợi ích rất lớn là giảm tỷ lệ sâu răng rất nhiều trong nhân dân. Sâu răng giảm sẽ làm giảm tất cả các chi phí mà nhà nước phải gánh cho việc điều trị rất tốn kém, từ chi phí đào tạo bác sĩ, y sĩ, đến thuốc men và trang thiết bị dành cho việc điều trị, phục hồi răng và làm răng giả do bị mất răng.

TP.HỒ CHÍ MINH đã có chương trình fluor hóa nước từ năm 1989, trong nước máy của TP luôn có nồng độ fluor là 0,5ppm và tỷ lệ sâu răng ở trẻ em 12 tuổi của TP.HỒ CHÍ MINH đã giảm rất nhiều từ 87% xuống 65% và hiện nay trung bình mỗi em chỉ có 2 răng sâu.

Các Nha sĩ hành nghề ở thập niên của thế kỷ trước, 1980-1990 đã thấy rằng: trẻ em đến các phòng răng của Nha sĩ lúc đó rất nhiều và luôn luôn đến vì sâu răng, đau răng phải trám và nhổ. Do đó trẻ rất sợ khi đến phòng Nha.

Nhưng sau một thời gian 10 năm và hiện nay sau 20 năm, nhờ có chương trình Nha Học Đường và fluor hóa nước, chúng ta thấy rất ít khi phải trám hay nhổ một răng sữa sâu vì đa số trẻ em bây giờ có răng tốt hơn bố mẹ.

Cũng nhờ biết cách phòng bệnh, giữ gìn răng miệng từ lúc trẻ mới vào mẫu giáo nên răng của bé rất tốt. Hiện nay trẻ em đến phòng nha khoa là để nhổ răng sữa lung lay và trám răng phòng ngừa. Nhờ vậy mà trẻ sẽ dạn dĩ hơn, tự tin hơn vì khi đến phòng Nha trẻ em không còn sợ đau nữa

Tuy chưa có thống kê nhưng qua các câu hỏi tư vấn sức khoẻ, dễ dàng nhận thấy có nhiều người đã và đang ngộ nhận về công dụng của fluor.

Hằng ngày cơ thể cần rất ít fluor

Với mong muốn con mình có hai hàm răng trắng bóng, đều như bắp, chắc khoẻ đã thôi thúc không ít phụ huynh tìm mua các chế phẩm chứa fluor cho trẻ dùng thường xuyên, như: kem đánh răng, nước súc miệng, kẹo chewing-gum hoặc các thực phẩm có bổ sung fluor (fluoride supplements). Chế phẩm chứa càng nhiều fluor càng được ưu tiên lựa chọn. Ngay trong nhiều mẫu quảng cáo, cũng đánh vào tâm lý này bằng những câu nhấn nhá làm đậm hàm lượng và công dụng của fluor có trong sản phẩm.

Đúng là fluor có chức năng tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng, giúp răng bền vững hơn trước các tác nhân gây bệnh sâu răng. Tuy nhiên, có phải dùng nhiều fluor là tốt?

Hàng ngày, cơ thể chúng ta phải được cung cấp đủ năm nhóm chất dinh dưỡng qua thức ăn, thức uống: chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và chất khoáng. Fluor chính là chất dinh dưỡng nằm trong nhóm chất khoáng và là chất khoáng vi lượng, với ký hiệu hoá học là F.

Gọi là vi lượng vì hàng ngày cơ thể ta cần rất ít fluor. Lượng cung cấp qua thức ăn thức uống của fluor tính bằng miligram (mg), như trẻ từ 1 – 3 tuổi cần 0,7mg/ngày, trẻ từ 4 – 8 tuổi cần 1,0mg/ngày, trẻ từ 9 tuổi trở lên và người trưởng thành cần 2 – 4mg/ngày. Trong khi các chất khoáng đại lượng cần cung cấp lại có lượng tính bằng gram (g), như canxi.

Thiếu hoặc thừa fluor đều hại

Trong cơ thể, fluor tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng. Fluor cũng có vai trò quan trọng trong tạo xương bằng cách ảnh hưởng đến điều hoà chuyển hoá canxi và phôtpho. Khi thiếu fluor sẽ dẫn đến bệnh sâu răng và loãng xương. Việc phát hiện mối liên quan giữa thiếu fluor và bệnh sâu răng bắt nguồn từ thế kỷ thứ 19, khi người ta quan sát trong răng, đặc biệt ở ngà và men răng có chứa fluor.

Năm 1902, một số nhà khoa học phát hiện dùng fluor có thể khắc phục bệnh sâu răng vì lượng fluor ở những răng sâu (nhất là men răng) thấp hơn đáng kể so với bình thường. Cũng từ đây, người ta nhận thấy khi lượng fluor trong nước sinh hoạt thấp dưới 0,5mg/l sẽ xảy ra biểu hiện thiếu fluor, thường gặp là tình trạng sâu răng. Vai trò của fluor chống sâu răng chính là ở chỗ nó giúp răng bền vững hơn với môi trường bên ngoài, như bền vững hơn trước tác dụng của các axit hữu cơ có trong thức ăn hoặc các axit này được tạo thành từ đường ăn hàng ngày.

Một đặc điểm quan trọng của fluor là giới hạn thích hợp của hoạt động sinh học chất khoáng này hẹp. Tức là liều bổ sung thích hợp và liều gây độc của fluor rất gần nhau. Thiếu hoặc thừa fluor đều có hại cho cơ thể. Giới hạn cho phép của fluor trong khẩu phần ăn là 2,4 – 4,8mg/kg thực phẩm (giới hạn này cũng áp dụng đối với các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng) và trong nước ăn sinh hoạt hàng ngày là 1,2mg/l. Nếu bổ sung fluor quá giới hạn sẽ đưa đến thừa fluor và gây độc. Một loại bệnh thừa fluor hiện nay được nói đến nhiều là bệnh “nhiễm độc fluor ở răng” (dental fluorosis). Đây là bệnh xảy ra ở trẻ được bổ sung quá nhiều fluor trong thời kỳ hình thành và phát triển răng vĩnh viễn.

Lứa tuổi dễ bị mắc bệnh nhiễm độc fluor ở răng là từ 1 – 4 tuổi, quá 8 tuổi xem như không có nguy cơ. Loại bệnh nhiễm độc này thể hiện có vệt bẩn màu trắng hoặc vàng ở men răng, kích thước vệt to dần và có thể tạo màu nâu. Trên men răng còn xuất hiện các rãnh, bờ bị ăn mòn, răng trở nên dễ vỡ. Bệnh gây tổn thương các răng vĩnh viễn. Nếu bổ sung thừa fluor dài hạn còn có thể gây ra bệnh “nhiễm độc fluor ở xương” (skeletal fluorosis) làm cho xương yếu, biến dạng, dễ gãy. Bệnh nhiễm độc fluor ở xương còn gây triệu chứng kích thích ruột và đau nhức khớp, dễ chẩn đoán lầm bị bệnh viêm đa khớp dạng thấp.

Như bất cứ chất dinh dưỡng nào, fluor được bổ sung hàng ngày với liều lượng vừa đủ là tốt nhất. Việc lạm dụng, cho dù với động cơ tốt, cũng đều tiềm ẩn những nguy hiểm cho sức khoẻ. Vì vậy, mọi người phải hết sức tỉnh táo trước những lời đường mật của các chương trình quảng cáo khi chọn mua các sản phẩm có chứa fluor.

Chỉ fluor thôi chưa đủ

Để giúp trẻ có hàm răng tốt, không bị sâu răng, chỉ bổ sung fluor thôi là chưa đủ, mà phải thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp. Hiện nay, để phòng chống sâu răng do thiếu fluor, người ta sử dụng một số biện pháp thông qua bổ sung fluor qua đường miệng như các loại kem đánh răng có chứa fluor, sẽ giúp bổ sung một lượng fluor qua đường nuốt khi ta đánh răng. Hoặc có hẳn các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng (còn gọi là thực phẩm chức năng) có chứa fluor.

Biện pháp bổ sung fluor quy mô lớn hơn là fluor hoá nước sinh hoạt tại các thành phố và tại các nơi có thể đưa lượng fluor thích hợp vào nước ăn hàng ngày. Ngoài ra, cần tạo các điều kiện sống hợp vệ sinh cho trẻ, cung cấp cho chúng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Giúp trẻ biết thực hiện các biện pháp vệ sinh nói chung, trong đó có vệ sinh răng miệng đúng cách. Nên định kỳ đưa trẻ đến nha sĩ để khám và được cho lời khuyên thêm về sức khoẻ, vệ sinh răng miệng, nhất là việc bổ sung fluor.

Fluor chỉ tác dụng trên mầm răng trẻ em và trên răng vĩnh viễn lúc còn trong xương hàm, người lớn nếu uống nước có fluor cũng không ảnh hưởng đến răng nữa. Tuy nhiên nếu chải răng với kem có nồng độ fluor cao thì men răng vẫn được tăng cường thêm độ cứng, chống lại sự ê buốt cổ răng.

TP Hồ Chí Minh sau 20 năm cho fluor vào nguồn nước máy thì tỷ lệ sâu răng ở trẻ em dưới 15 tuổi giảm chỉ còn phân nữa. Tuy nhiên với nồng độ fluor 0,5ppm vẫn còn làm cho một số trẻ em bị nhiễm fluor vì ngoài nước uống của nhà máy nước Thủ Đức ra còn nhiều nguồn nước khoáng đóng chai có nồng độ fluor cao, nên ảnh hưởng đến men răng gây hiện tượng trắng đục ở men làm mất mất vẻ đẹp của các răng cửa. Vì vậy Sở Y tế UBND TPHCM đã quyết định ngưng chương trình châm flou vào nước của TPHCM từ năm 2010.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức

Tramrang.com

Nha Khoa Việt Mỹ được thành lập từ đầu năm 2001 với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước., cung cấp các dịch vụ liên quan đến vấn đề nha khoa như : chữa răng, nhổ răng, phục hình...